Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Đừng nhầm thực phẩm chức năng là thốc điều trị

Hiện nay trong các nhà thuốc, kể cả thuốc đông dược có bày bán những loại thực phẩm chức năng (TPCN). Một số người chưa biết rõ tác dụng nên đã mua và sử dụng TPCN với quan niệm nó cũng như các loại thuốc điều trị không cần kê đơn (OTC).

TPCN là gì?

Theo định nghĩa của Bộ Y tế: “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”.

TPCN được sản xuất, chế biến theo quy trình kỹ thuật công nghệ với công thức cần bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bỏ một số thành phần bất lợi của thực phẩm; vì vậy, nó khác với các loại thực phẩm thông thường. Việc bổ sung thành phần có lợi hay loại bỏ thành phần bất lợi của thực phẩm trong TPCN phải được xem xét, chứng minh một cách khoa học và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép lưu hành sử dụng. Vì vậy, TPCN có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn các chất dinh dưỡng thông thường và liều lượng sử dụng thường nhỏ, thậm chí được tính bằng miligram hoặc gram. TPCN không được phép dùng để chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào.

TPCN.jpg
Nhân viên tư vấn đang giới thiệu một loại TPCN. Ảnh P. Huy.
Đừng nhầm lẫn!

Hiện nay, một số TPCN được bày bán trong các nhà thuốc, quầy thuốc Tây, kể cả thuốc Đông dược quy định không cần kê đơn (OTC) nên nhiều người tự ý mua tại đây hoặc được các nhân viên nhà thuốc, quầy thuốc giới thiệu, tư vấn để bán sản phẩm; khi mua về cứ nhầm tưởng là thuốc chữa bệnh. Thực ra, TPCN là loại thực phẩm nằm trong giới hạn giữa thực phẩm truyền thống (Food) và thuốc điều trị (Drug). Có thể nói rằng TPCN trong giới hạn giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc điều trị. Vì vậy, TPCN còn được gọi là thực phẩm - thuốc (Food - Drug). Có lẽ sự nhầm lẫn xuất phát từ đây. Hiện nay, TPCN được chia làm 5 nhóm khác nhau gồm: nhóm có bằng chứng đáng tin cậy, nhóm có bằng chứng đủ độ tin cậy, nhóm có bằng chứng ở mức vừa phải, nhóm có bằng chứng chưa đủ độ tin cậy, cần nghiên cứu thêm và nhóm còn tranh cãi nhiều. Tùy theo mức độ, khi sử dụng TPCN cần thận trọng xem xét, cân nhắc thật kỹ để chọn lựa giải pháp phù hợp giữa mục đích dùng để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật với tình hình kinh tế của mỗi người. Thực tế trong sinh hoạt hàng ngày, nếu biết chọn lựa một chế độ ăn uống thích hợp với các loại thực phẩm truyền thống đầy đủ dưỡng chất, bảo đảm an toàn vệ sinh cũng có tác dụng tốt đối với sức khỏe, không cần dùng đến các loại TPCN.

Để tránh sự nhầm lẫn khi mua và sử dụng các loại TPCN hay thuốc điều trị, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và chú ý khi mua sản phẩm. Theo quy định, các nhà sản xuất thường công bố trên nhãn, mác sản phẩm là TPCN, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các tiêu chuẩn về thực phẩm. Đối với các loại thuốc điều trị và phòng bệnh, nhà sản xuất thường công bố trên nhãn, mác là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định sử dụng. Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể; khác hẳn hoàn toàn với TPCN. Một số người do chưa hiểu rõ được vấn đề này nên đã xem TPCN là thuốc điều trị, là “thần dược” để phòng bệnh và chữa một số bệnh tật mắc phải, mặc dù phải bỏ ra một số tiền không ít để mua sử dụng. Việc quảng cáo sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như sự giới thiệu, tư vấn không đúng (hay cố tình?) của một số nhân viên ở các nhà thuốc đã làm cho người tiêu dùng càng bị nhầm lẫn.

Một tranh cãi...

Trong một bữa tiệc liên hoan, có người không uống được bia với lý do bị huyết áp cao và đang sử dụng omega-3 để điều trị. Người khác trong bàn tiệc tham gia ý kiến cho rằng omega-3 không phải là thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, nó chỉ là một loại TPCN hỗ trợ cho những người bị huyết áp cao. Có người vẫn xem đây là thuốc điều trị. Một tranh cãi omega-3 là thuốc hay TPCN lại được đưa ra trên bàn tiệc để thảo luận đúng - sai.

Trong giới thiệu, hướng dẫn sử dụng sản phẩm omega-3, một số nhà sản xuất đã ghi các chỉ định như: hỗ trợ tuần hoàn, bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim... nên người tiêu dùng có thể nhầm lẫn là thuốc điều trị và phòng bệnh, vì không được ghi rõ TPCN ở bao bì, kể cả giấy hướng dẫn sử dụng ở bên trong. Thực ra, sản phẩm này được sản xuất từ dầu các loại cá vùng biển sâu và lạnh (vùng Alaska), chứa eicosapentaenoic acid (EPA) và docosahexaenoic acid (DHA) giúp hỗ trợ làm giảm lượng triglyceride và cholesterol máu, đây là cơ sở để giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, trong đó có bệnh cao huyết áp nên người sử dụng nghĩ rằng đây là loại “thuốc” để điều trị và phòng bệnh huyết áp cao. Vì vậy, khi mua sản phẩm trong các nhà thuốc, để xác định rõ “thuốc” hay “TPCN”; người tiêu dùng cần đọc kỹ những chữ ghi trên bao bì và giấy hướng dẫn sử dụng cụ thể ở bên trong. Một số TPCN ngoài bao bì không ghi rõ “TPCN” nhưng khi đọc giấy hướng dẫn sử dụng kèm theo bên trong mới nhận rõ. Có lẽ đây là một nghệ thuật kinh doanh của các nhà sản xuất, trong khi phần lớn người tiêu dùng chưa hiểu rõ được vấn đề này.

Một loại TPCN khác có hoạt chất chính glucosamin sulfate có bao bì bên ngoài và vỉ thuốc bên trong rất giống với thuốc điều trị. Trên hộp thuốc có ghi chữ điều trị viêm xương khớp bằng tiếng Anh “Treatment for osteoarthritis” nên người tiêu dùng cứ nghĩ đây là thuốc điều trị. Nếu đọc kỹ ở góc bên hông, sẽ thấy chữ thực phẩm hỗ trợ sức khỏe bằng tiếng Anh “Health supplement food”. Mở hộp thuốc để xem giấy hướng dẫn sử dụng ở bên trong, phần chú ý khi dùng sản phẩm có ghi rõ “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua sản phẩm từ các nhà thuốc, quầy thuốc Tây, kể cả thuốc Đông dược; muốn phân biệt rõ “thuốc” chữa bệnh, phòng bệnh hay “TPCN” cần đọc kỹ những thông tin ghi trên nhãn mác, bao bì và những nội dung trên giấy hướng dẫn sử dụng ở bên trong để tránh nhầm lẫn.

Hiện nay, một số loại TPCN có giá bán khá cao kèm với những lời giới thiệu, quảng cáo, tư vấn... như là một “thần dược” nên không ít người đã bỏ tiền ra mua để sử dụng với mong muốn điều trị khỏi bệnh giống thuốc chữa bệnh. Đừng nên nhầm lẫn vấn đề này

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Vietbao (Theo: SKĐS)
Thuc pham chuc nang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét